Kinh nghiệm nuôi Tôm thẻ chân trắng hiệu quả

Khi con tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) được phép nuôi đại trà trên địa bàn Nghệ an đã được bà con nuôi tôm hưởng ứng mạnh mẽ bởi tính ưu việt của nó: Thời gian nuôi ngắn, tăng trưởng nhanh, sức đề kháng tốt...

Có khả năng nuôi ở mật độ cao, năng suất, hiệu quả. Mới chỉ sau 2 năm, diện tích nuôi tôm chân trắng tăng lên nhanh chóng gần 700 ha năm 2009, 900 ha 2010 với sản lượng trên 7.000 tấn và năm 2011 lên đến 1400 ha gần phủ kín diện tích nuôi tôm toàn tỉnh.Thực tế, con tôm thẻ chân trắng đã thay thế con tôm sú nhiều năm bị dịch bệnh hoành hành. Một số vùng nuôi bỏ hoang hoá nhiều năm ở Diễn Trung, Nghi Hợp thì nay đã được hồi sinh nhờ con tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm đặc biệt rủi ro do thiên tai và dịch bệnh, ngoài việc lựa chọn số vụ nuôi, thời vụ nuôi thích hợp, tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật nuôi, bà con nên lưu ý một số bài học kinh nghiệm dưới đây để nuôi tôm có hiệu quả: 


Bài học 1: Không được chủ quan hoặc quá kỳ vọng vào đối tượng nuôi và hoá chất sử dụng
Người ta thường nghĩ, tôm thẻ chân trắng là đối tượng mới, thời gian nuôi ngắn,có sức sống cao khả năng kháng bệnh tốt nên rất dễ nuôi. Chính vì những ưu điểm đó mà người ta quá chủ quan không áp dụng vào kỹ thuật nuôi tôm sẵn có, nuôi mật độ quá dày (trên 100con/m2) dẫn đến tôm chậm lớn, hao thức ăn, tỷ lệ sống thấp do thiếu oxy, tôm dễ bị suy kiệt điều kiện oxy không đủ cho nên tôm thường nổi đầu, rớt đáy, dẫn đến thất bại.


Rõ ràng rằng là khi chọn mua giống cần mua ở những cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống có uy tín, nhưng do việc cung không đủ cầu đã đẩy giá tôm giống lên quá cao và sự chờ đợi phân phối con giống làm chậm mùa vụ sản xuất, hiệu quả kinh tế thấp.  


Cũng có người lại quá kỳ vọng vào hiệu quả tức thì của một số loại hóa chất hoặc thuốc xử lý nào đó, mà không phối hợp với công việc giải độc, cân bằng pH, oxy hòa tan...thì tỷ lệ tái phát bệnh trở lại rất cao. Bà con chỉ nên dùng Chlorin để diệt tạp, khử trùng còn trong quá trình nuôi cần sử dụng định kỳ các chế phẩm sinh học sẽ quản lý môi trường tốt và ổn định hơn.


Bài học 2: Sử dụng vôi hợp lý
Việc sử dụng vôi trong nuôi tôm là rất cần thiết để cải tạo ao, ổn định môi trường suốt cả quá trình nuôi, nhưng sử dụng phải có công thức và có liều lượng thích hợp. Việc dùng vôi nhiều xuống ao làm tăng hàm lượng cation Ca++ làm cho quá trình sinh hoá và hoá lý trong ao giảm dẫn đến là giảm hàm lượng vi sinh vật có lợi, oxy hoà tan kém tôm càng dễ nổi đầu, chậm phát triển. CaCO3 khi cho xuống ao phải phân ly được Ca++ và CO3-- thì lúc đó mới hiệu quả, nhưng vôi đang sử dụng hiện nay có hàm lượng tạp chất quá cao quá trình phân ly kém cho nên phải tăng liều lượng sử dụng lâu ngày tạo thành chất lơ lửng ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc diệt khuẩn và hoá chất xử lý, và khả năng oxy hoà tan kém. Do vậy bà con chỉ nên dùng vôi bột để cải tạo ao với lượng thích hợp hoặc sử dụng vào những lúc trời mưa to, còn nên dùng bột đá xay mịn để duy trì độ kiềm,  pH ổn định môi trường.


Bài học 3: Mật độ thả
Mật độ nuôi phải phù hợp với mức độ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, khả năng chăm sóc và kinh nghiệm của người nuôi. Qua nhiều năm nuôi tôm ở mật độ cao (140 - 200 con/m2) ở Thái lan đã làm cho nền đáy bị chai, nghèo dinh dưỡng tảo không phát triển khó gây màu nước môi trường ao nuôi bị và ô nhiễm nghiêm trọng dẫn đến dịch bệnh hoành hành làm thiệt hại lớn cho ngành nuôi tôm của họ. Một số vùng nuôi phải áp dụng giải pháp ngừng nuôi một vài năm để cải thiện môi trường. Hiện nay người nuôi tôm ở Thái Lan đã giảm mật độ tôm nuôi, theo đó mật độ tôm thẻ chân trắng thả nuôi được giảm xuống còn 60.000-100.000 con/rai (rai: đơn vị đo diện tích ở Thái Lan, 1rai = 1.600 m2) tức là khoảng 37- 63 con/m2. Con tôm thẻ chân trắng mới đưa vào nuôi đại trà trên địa bàn tỉnh ta, môi trường ao nuôi chưa bị ô nhiễm, bà con nuôi tôm cũng đã có một số kinh nghiệm qua những năm nuôi tôm Sú nhưng theo khuyến cáo của các chuyên gia thì cũng không nuôi quá dày, mật độ 80-100 con/m2 áp dụng tại Nghệ an là phù hợp.


Theo ông Vũ Văn Đức, người nuôi tôm chân trắng đầu tiên năm 2006 khi mà chưa được phép nuôi đối tượng này, qua 5 năm nuôi tôm thẻ chân trắng thành công ông cho biết một kinh nghiệm mà bà con có thể áp dụng: Nuôi ở mật độ dưới 80con/m2, sau 2 tháng nuôi khi tôm đã đạt cỡ thương phẩm (Dù còn nhỏ) tiến hành thu tỉa, số còn lại tiếp tục nuôi, tiếp tục thu tỉa ... giảm dần mật độ, có thể kéo dài 4 tháng, cở tôm cuối vụ đạt dưới 40 con/kg, giá bán cao; sẽ rất hiệu quả đối với những hộ không có khả năng đầu tư lớn.


Bài học 4: Bổ sung dinh dưỡng
Hầu hết những người nuôi tôm cho rằng, nuôi tôm thẻ chân trắng rất dễ, không cần thiết phải bổ sung dinh dưỡng. Nhưng, trong môi trường nuôi công nghiệp mật độ cao tôm dễ thiếu oxy  thì việc hỗ trợ tiêu hóa và quá trình hấp thụ thức ăn rất quan trọng, vì nó quyết định đến hệ số FCR (hệ số chuyển đổi thức ăn), quyết định chi phí nuôi tôm. Thực tế áp dụng cho thấy, việc bổ sung thêm men đường ruột có gốc Saccharomyces cerevisiace kết hợp với Sorbitol phối trộn với thức ăn sẽ gia tăng quá trình chuyển hóa và hấp thụ thức ăn.


Bài học 5: Kiểm tra định kỳ tôm nuôi bằng phương pháp PCR
Thông thường người nuôi chỉ kiểm tra tôm giống bằng phương pháp này trước khi mua giống để thả nuôi mà chưa có thói quen định kỳ kiểm tra trong quá trình nuôi. Nếu bà con nuôi tôm quan tâm trong công tác xét nghiệm tôm nuôi bằng thiết bị PCR trong quá trình nuôi để có những giải pháp chăm sóc, phòng trị bệnh kịp thời thì sẽ thành công. Bà con nên lấy mẫu kiểm tra ít nhất 1 lần giai đoạn 30-50 ngày nuôi, giai đoạn mà tôm thường hay phát bệnh.


Bài học 6: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp
Trong nuôi tôm, việc phòng bệnh cực kỳ quan trọng bởi khi tôm mắc bệnh nếu chữa trị được thì tôm cũng chậm lớn, hiệu quả nuôi thấp, thậm chí thua lỗ; đặc biệt một số bệnh nguy hiểm chưa có thuốc đặc trị làm chết tôm hàng loạt gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Vì vậy, bà con cần phải áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp ngay từ khâu đầu tiên về lựa chọn con giống, cải tạo ao nuôi đến cả quá trình chăm sóc...một cách nghiêm ngặt mới giảm thiểu được rủi ro do dịch bệnh.


Bài học 7: Nâng cao trách nhiệm quản lý cộng đồng
Việc xây dựng các tổ, nhóm tự quản trong từng vùng nuôi thực sự có hiệu quả kể cả về mặt an ninh cho đến việc quản lý môi trường chung, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc phòng trừ dịch bệnh... Trên thực tế nhiều địa phương cho thấy, nơi nào áp dụng hình thức quản lý cộng đồng thì nơi đó ít xảy ra dịch bệnh ở tôm, hiệu quả nuôi cao. 

 

                                       Bá Hiền
                                Trung tâm KNKN