Thủy sản việt nam 2018: Tiếp đà tăng trưởng

(Thủy sản Việt Nam) - Những yếu tố tạo nên kỳ tích

2018, con tôm vẫn là đối tượng triển vọng nhất ngành thủy sản Ảnh: Trần Út

2018, con tôm vẫn là đối tượng triển vọng nhất ngành thủy sản  Ảnh: Trần Út 

Về sản xuất

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, năm 2017, ước giá trị sản xuất thủy sản đạt 211,8 nghìn tỷ đồng (tăng 0,8%), tổng sản lượng thủy sản 7,2 triệu tấn (tăng 3,2%); trong đó, khai thác 3,4 triệu tấn (tăng 2,7%), nuôi trồng 3,8 triệu tấn (tăng 3,7%). Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng trưởng, trong đó, sản lượng thu hoạch tôm nước lợ  638,4 nghìn tấn, tăng 1,2% (tôm sú 256,4 nghìn tấn, TTCT 427 nghìn tấn); cá tra hơn 1,25 triệu tấn (tăng 4,3%). Đạt được kết quả khả quan như vậy là do nuôi tôm và cá tra đã áp dụng cải tiến trong kỹ thuật nuôi, chủ động phòng chống dịch bệnh.

Điển hình nhất là con tôm. Sau nhiều năm “đánh bạc với giời” thất bại, người dân đã không còn dám nuôi tự phát mà dần chuyển hướng đầu tư sang các mô hình nuôi an toàn. Theo đó, nuôi siêu thâm canh, thâm canh, nuôi hai giai đoạn, nuôi trong nhà lưới, nhà kính, nuôi trải bạt… sử dụng chế phẩm sinh học đang được áp dụng ngày càng rộng rãi tại các vùng nuôi.

Về giá

Chưa khi nào mà niềm vui “được mùa, được giá” lại tưng bừng khắp các đồng ruộng trên cả nước như năm nay, với hầu hết các mặt hàng thủy sản.

Vui mừng nhất là người nuôi cá tra. 2017 là năm thắng lợi với họ khi giá bán luôn ở mức cao. Theo Tổng cục Thủy sản, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 12 tiếp tục ở mức cao, dao động 27.000 - 29.000 đồng/kg. Với mức này, người nuôi lãi khoảng 4.000 - 6.000 đồng/kg. Đây là năm đầu tiên cá tra có giá tốt như vậy trong tháng cuối năm.

Đối với mặt hàng tôm, đây cũng là năm thuận lợi với người nuôi về cả sản lượng và giá. Sức tiêu thụ ở một số thị trường chính duy trì ổn định cũng giúp việc tiêu thụ nguyên liệu khả quan. Những tháng đầu năm và cuối năm, giá nguyên liệu tăng cao do thị trường xuất khẩu hút hàng khiến người nuôi tôm phấn khởi. Tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, giá tôm sú loại 20 con/kg được thu mua ở mức 240.000 - 260.000 đồng/kg, loại 30 - 40 con/kg ở mức 140.000 - 230.000 đồng/kg; giá tôm thẻ chân trắng ướp đá loại 50 - 60 con/kg dao động ở mức 120.000 - 134.000 đồng/kg.

Về quản lý

2017 là năm mà nhiều chương trình, Nghị quyết được ra đời dành cho ngành thủy sản. Trước tiên phải kể đến là Luật Thủy sản (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Trong đó, nhiều điểm mới được quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn, nhất là với lĩnh vực khai thác, vừa nhằm củng cố lại lĩnh vực này để mang lại hiệu quả sản xuất cao, đồng thời tránh được các lệnh cấm hay cảnh báo như tại thị trường châu Âu trong năm qua.

Cùng đó là Quyết định số 1434/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020.  Mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản hàng năm đạt 6%; tổng sản lượng đạt 6,5 - 7 triệu tấn; giá trị xuất khẩu thủy sản 8 - 9 tỷ USD; Chủ động sản xuất trong nước 100% giống các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực; 100% giống tôm sú, tôm chân trắng, cá tra là giống sạch bệnh…

Trong tháng 11/2017, Bộ NN&PTNT cũng phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Tôm nước lợ” (gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng) thuộc Chương trình Phát triển sản phẩm Quốc gia đến năm 2020. Mục tiêu nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ có khả năng cạnh tranh trên cơ sở áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến gắn với tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu phát triển thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh…

Về hợp tác

Năm 2017 đánh dấu mức độ hiệu quả trong quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với người nuôi trồng thủy sản. Hình thức liên kết phổ biến là doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ đầu vào như vật tư, thức ăn, con giống… và lo đầu ra sản phẩm. Điển hình nhất là trong sản xuất cá tra. Với hình thức nuôi gia công cho các công ty chế biến thủy sản với sự hỗ trợ trực tiếp được xem là hướng đi khá chắc chắn cho người nuôi cá tra vùng ĐBSCL hiện nay. Tỷ lệ này hiện đã lên đến gần 70%.

Với con tôm, nhiều doanh nghiệp lớn đã tích cực hỗ trợ và thực hiện chuyển giao công nghệ mới cho người dân thông qua các mô hình nuôi hiệu quả đã được kiểm chứng như: Nuôi siêu thâm canh hai giai đoạn ít thay nước, Biofloc, 3 sạch… của các công ty lớn như Trúc Anh, C.P. Việt Nam…

Về thị trường

Năm 2017, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 8,37 tỷ USD, tăng hơn 18% so năm 2016. Đóng góp lớn nhất là mặt hàng tôm với mức tăng trưởng trên 21%, đạt 3,8 tỷ USD. Tiếp đến là cá tra với gần 1,8 tỷ USD, tăng gần 4%. Cùng đó, xuất khẩu hải sản cũng tăng trưởng đáng kể.

Cùng đó, đây cũng là năm đánh dấu sự hoán ngôi ngoạn mục giữa các nước nhập khẩu truyền thống của thủy sản Việt Nam. Sau nhiều năm đứng vị trí số 1, năm 2017, thị trường Mỹ bị chững lại. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh của nhiều thị trường lớn khác đã “cứu cánh” cho kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Điển hình là việc EU tăng cường nhập khẩu tôm của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng có giá trị tăng cao. Thị trường Trung Quốc cũng vượt qua Mỹ và EU với riêng con cá tra.

Định hướng phát triển 2018

Năm 2018 được dự báo sẽ có rất nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng có nhiều thuận lợi. Thứ nhất, ở khu vực khai thác, Việt Nam đang bị “thẻ vàng” của EU. Thứ hai, ngành thủy sản đang tổ chức lại từ một nền sản xuất khai thác ngư nghiệp toàn dân sang một nền khai thác phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trên lộ trình thực hiện Luật Thủy sản mới, với những chương trình hành động để khắc phục “thẻ vàng”. Đối với vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị yêu cầu toàn ngành và các địa phương phải tổ chức thực hiện.

Trong lĩnh vực nuôi trồng, sức sản xuất là rất tốt, tuy nhiên, việc khống chế lưu lượng kháng sinh, các tạp chất đang là vấn đề nhức nhối mà ngành thủy sản cần phải tập trung xử lý cho được. Cùng đó, ngành thủy sản có một nền tảng rất thuận lợi đó là các thiết chế hạ tầng, phương thức sản xuất, tổ chức ngành hàng trong những năm qua và đến nay là khá tốt.

Mặt khác, ngay từ đầu năm 2018, các thành phần kinh tế đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng đã chú ý vào các giải pháp khai thác tốt các lợi thế do các FTA mang lại. Đặc biệt, doanh nghiệp đã cùng với các cơ quan của Chính phủ, một mặt tập trung khai thác tốt hơn những thị trường truyền thống, mặt khác tiếp tục khai mở những thị trường có dư địa tiềm năng lớn.

Nhận định về ngành thủy sản trong năm 2018, tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2018 của Tổng cục Thủy sản vừa qua; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, nhiệm vụ năm 2018 của ngành thủy sản là rất nặng nề, để đạt mục tiêu xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là 40 tỷ USD trong năm nay, ngành thủy sản cần phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD. Do đó, những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành thủy sản cần triển khai ngay là tập trung phát triển sản xuất ngay những tháng đầu năm, cùng đó hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản sửa đổi. Đồng thời, hỗ trợ người dân miền Trung khắc phục sự cố môi trường biển và hướng dẫn các địa phương khu vực vực Nam Trung bộ khắc phục hậu quả thiên tai do mưa, bão cuối năm ngoái sớm ổn định sản xuất và cuộc sống. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy trong sản xuất, với lĩnh vực khai thác là chuyển từ số lượng sang chất lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác; với nuôi trồng cần tạo đột phá tăng cả sản lượng và giá trị, với con tôm là công nghệ cao và tôm hữu cơ (tôm sú). Tháo gỡ nút thắt về giống trong sản xuất cá tra…

>> Năm 2018, ngành thủy sản đặt mục tiêu, tốc độ tăng giá trị thủy sản đạt 5,3 - 5,8%; Tổng sản lượng thủy sản đạt 7 - 7,5 triệu tấn. Trong đó, nuôi tôm các loại là 750 nghìn tấn, tăng 3,6%; sản lượng cá tra 1,3 triệu tấn, tăng 3,9% so năm 2017.

                                                                                                    Thu Hồng - Nguyễn Chi