Tái cơ cấu thủy sản: Tất yếu dựa vào khoa học công nghệ

(Thủy sản Việt Nam) - Theo nhận định của các chuyên gia, để tái cơ cấu ngành thành công tất yếu phải “phủ sóng” khoa học công nghệ. Việc nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho quá trình này vẫn rất cấp thiết.


Nuôi tôm công nghệ cao 

Theo Vụ KHCN và Môi trường (Bộ NN&PTNT), trong giai đoạn 2013 - 2018, đã triển khai gần 80 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) thủy sản với hơn 330 tỷ đồng, tập trung trên các đối tượng thủy sản chủ lực phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đã công nhận 13 giống thủy sản và 7 tiến bộ kỹ thuật, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành thủy sản, tập trung vào đối tượng tôm nước lợ, cá tra và cá nước lạnh và khai thác hải sản; bên cạnh đó, chuyển giao nhân rộng nhiều mô hình kỹ thuật nuôi các đối tượng chủ lực, đặc sản vùng miền.

Ghi nhận thành công

Việc nghiên cứu KHCN thủy sản trong giai đoạn 2013 - 2018 đã có những bước đột phá. Chẳng hạn đối với sản xuất giống và công nghệ nuôi, về tôm nước lợ: Đã chọn được giống TTCT, tôm sú sạch bệnh, tăng trưởng nhanh, cho tốc độ tăng trưởng và khả năng chống chịu với các điều kiện cực đoan, sạch bệnh; công nhận được 2 giống, gồm: TTCT thế hệ G1, TTCT bố mẹ thế hệ G3; quy trình công nghệ nuôi TTCT biofloc, copefloc, thâm canh TTCT kiểm soát bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp… Với cá tra: Chọn tạo được giống cá tra tăng trưởng thế hệ thứ 2 (PanGI2) trên 20%, chuyển giao vào sản xuất; sản xuất giống nhân tạo cá dứa thích nghi với môi trường mặn, lợ hoặc xâm nhập mặn tại ĐBSCL; nâng cao tỷ lệ sống cá tra giống; nghiên cứu chế độ ăn hiệu quả (giảm 15% thức ăn và lượng nước thay với tỷ lệ sống > 75%)... Với các đối tượng khác như tôm hùm, tôm càng xanh, cua, nhuyễn thể, rong biển, cá rô phi, cá ch��m, cá hồi vân, cá tầm… cũng có nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong lĩnh vực thú ý thủy sản: Thiết lập được hệ thống quan trắc môi trường, dịch bệnh tại ĐBSCL; đưa ra các biện pháp khẩn cấp phòng dịch bệnh trên tôm sú và TTCT nuôi. Xác định được tác nhân chính gây bệnh sữa trên tôm hùm nuôi và liều lượng tối ưu sử dụng kháng sinh đối với RLB. Xây dựng được quy trình kiểm soát và phòng đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính trong nuôi thâm canh TTCT quy mô trang trại; xây dựng được quy trình kiểm soát vật mang WSSV ở Việt Nam; lập được hệ thống phage typing cho vi khuẩn Aeromonas hydrophila và A. dhakensis. Xây dựng được danh sách các yếu tố sinh học và phi sinh học liên quan đến nghêu chết hàng loạt làm cơ sở để xây dựng thẻ bệnh giúp người nuôi và cán bộ quản lý thủy sản có thể phân biệt và nhận biết được các dấu hiệu bệnh một cách dễ dàng; quy trình chẩn đoán bệnh do vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaie gây bệnh ở tôm bằng kỹ thuật realtime PCR...

Trong lĩnh vực chế phẩm sinh học: Phát triển chế phẩm vi sinh BioShrimp-RIA2 bổ sung vào thức ăn và xử lý môi trường nước nhằm nâng cao tỷ lệ sống và hạn chế một số bệnh (phân trắng, gan tụy cấp) cho tôm sú và TTCT. Sản xuất và ứng dụng chế phẩm từ các hoạt chất thuộc lớp chất tritecpenoit, diterpenoit và polyphenol có nguồn gốc tự nhiên thay thế kháng sinh phòng trị bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi ở Việt Nam. Sản phẩm hiện đang trong quá trình hoàn thiện. Xây dựng được quy trình chẩn đoán, bộ KIT phát hiện virus trên tôm sú và TTCT. Sản xuất được chế phẩm sinh học BioTS3 trong nuôi tôm thâm canh; Tolerin kháng bệnh, tăng khả năng hạn chế lây lan bệnh đốm trắng trên tôm sú nuôi.

Trong lĩnh vực khai thác và công nghệ sau thu hoạch: Thiết kế, lắp ráp, chế tạo thành công hệ thống thiết bị sản xuất đá sệt kết nối đồng bộ với hệ thống điện, thùng bảo quản cá, động cơ… trên tàu câu cá ngừ vỏ gỗ với các thông số chính: Năng suất đá sệt 4 tấn/ngày, nhiệt độ dao động -1,5 đến -3oC, 40% đá (trung bình). Nâng cao chất lượng dự báo ngư trường khai thác cá ngừ đại dương ở vùng biển Việt Nam trên cơ sở thu thập dữ liệu viễn thám biển, dữ liệu hải dương, xây dựng một số bộ mođun tính toán số liệu nghề cá và hải dương học. Chế biến nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thủy sản…

Đặt mục tiêu cao

TS Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2025, mục tiêu mà nghiên cứu KHCN hướng đến là nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tập trung ưu tiên theo ba trục sản phẩm chủ lực (quốc gia, vùng miền và địa phương) phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng và nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật góp phần nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm.

Cùng đó, để đạt được mục tiêu, nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong ngành thủy sản là điều cấp thiết. Trong đó, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là sản xuất con giống; sau đó là công tác nghiên cứu về dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần huy động tổng thể các nguồn lực nhằm tập trung thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, tránh tình trạng phân tán, lãng phí nguồn lực...

                                                                                                            Nam Giang