Phát huy lợi thế cường quốc tôm sú

(Thủy sản Việt Nam) - Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế cho phát triển nghề nuôi tôm,với sản lượng 600 - 650 nghìn tấn tôm mỗi năm; trong đó, dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú với sản lượng 300 nghìn tấn/năm. Việt Nam đã và đang phát huy lợi thế này một cách có hiệu quả.


                        Tôm sú có giá trị cao và thị phần đáng kể trên thị trường tôm thế giới 

Khẳng định vị thế

Tôm Việt Nam là một trong số không nhiều các mặt hàng đã xuất khẩu tới 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời là nhà cung cấp tôm lớn nhất vào thị trường Nhật Bản, thứ 3 ở Mỹ và thứ 4 trong khối EU. Tôm nuôi nước lợ (gồm tôm sú và TTCT) có đóng góp đặc biệt quan trọng trong NTTS nói riêng và ngành thủy sản nói chung đóng góp 9,8% tổng sản lượng thủy sản; 45% giá trị kim ngạch xuất khẩu và 60% tổng doanh thu NTTS. Cùng với TTCT, tôm sú hiện vẫn được các địa phương trong cả nước tập trung phát triển các diện tích nuôi cũng như các mô hình nuôi hiệu quả; nhất là tại các tỉnh khu vực ĐBSCL với hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến; cả khu vực hiện nay diện tích tôm sú chiếm trên 90% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng (559.222 ha); tập trung ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang.

 Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, Việt Nam đang duy trì thế mạnh về phát triển con tôm sú, đặc biệt chúng ta có lợi thế về chứng nhận tôm sú sinh thái, tôm sú hữu cơ đã có vị trí trên thị trường. Thời gian vừa qua, trong định hướng thị trường ngành tôm, ngoài nuôi TTCT ứng dụng hình thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh, thì tôm sú sinh thái, tôm - rừng, tôm - lúa và tôm quảng canh là thế mạnh của ngành tôm. Bên cạnh đó, với lợi thế là loài tôm có kích thước lớn, chất lượng thịt ngon được nhiều người ưa chuộng, nhu cầu về tôm sú ở thị trường trong nước và thế giới đều cao, ít bị cạnh tranh trên thế giới, giá cả ổn định ở mức cao.

Theo nhận định của các doanh nghiệp, tôm sú vẫn có thị trường rất tốt; khoảng 20% người tiêu dùng tôm trên thế giới vẫn muốn ăn tôm sú, cho dù giá cao hơn so TTCT. Cũng vì con tôm sú vẫn có giá trị cao và thị phần đáng kể trên thị trường tôm thế giới, nên sau một thời gian đẩy mạnh phát triển TTCT và bỏ quên tôm sú, hiện tại, Thái Lan đang âm thầm chọn lọc, gia hóa tôm sú, nhằm chọn ra dòng tôm sú có những đặc tính sinh học tốt hơn so TTCT, với mục đích sẽ phát triển trở lại loại tôm này.

Thay đổi để phát triển

Muốn sản xuất hiệu quả thì chất lượng các yếu tố đầu vào là rất quan trọng trong đó có yếu tố về con giống. Hiện, cả nước có 1.855 cơ sở sản xuất giống tôm sú, sản lượng 37,5 tỷ con mỗi năm. Nguồn tôm sú bố mẹ chủ yếu là khai thác trong tự nhiên, bên cạnh đó, cũng có rất nhiều đơn vị doanh nghiệp đầu tư sản xuất tôm sú giống có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân như Thăng Long, Dương Hùng, Việt - Úc, C.P, Skretting…

Cùng với sự phát triển của các mô hình nuôi TTCT theo công nghệ cao, siêu thâm canh, thì các diện tích nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái cũng được các địa phương phát huy hiệu quả. Năm 2018, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Dự án Xây dựng mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh, đảm bảo ATTP. Theo đó, đã xây dựng 24 mô hình nuôi tôm bán thâm canh đảm bảo ATTP và kết quả nuôi thực nghiệm ở 10 tỉnh/thành trên cả nước (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau). Với thời gian nuôi từ 145 - 147 ngày, cỡ tôm 35 - 40 con/kg, tỷ lệ sống trên 60%, hệ số thức ăn 1,44, năng suất trung bình từ 1,56 tấn/ha vùng hạ triều và 2,4 tấn/ha vùng trung và cao triều. Các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt và vượt mục tiêu dự án đề ra; năng suất vượt 1,5 lần mục tiêu dự án, lợi nhuận cao hơn phương pháp nuôi truyền thống trên 30%.

Nuôi tôm sú hữu cơ không chỉ được các tỉnh khu vực ĐBSCL phát triển và nhân rộng, mà một số tỉnh phía Bắc cũng có nhiều mô hình nuôi tôm sú hiệu quả. Như tại Quảng Ninh, sau 5 tháng nuôi theo mô hình tôm sú bán thâm canh đảm bảo ATTP, tôm tại vùng cao triều đạt tỷ lệ sống 62%, cỡ thu hoạch 38,7 con/kg, năng suất 2,39 tấn/ha; tôm tại vùng hạ triều tỷ lệ sống 60,5%, cỡ thu hoạch 36 con/kg, năng suất 1,68 tấn/ha cao hơn so mục tiêu đặt ra của Dự án. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, vùng cao triều cho lãi trên 185,7 triệu đồng/ha, vùng hạ triều trên 139,8 triệu đồng/ha và giúp người dân từng bước tiếp cận, mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn mới. Hay mô hình nuôi tôm sú hữu cơ của ông Nguyễn Văn Phúc (xã Hải Triều, huyện Hải Hậu, Nam Định) với 3 ha nuôi tôm trong đó chủ yếu là tôm sú; năng suất bình quân 15 - 17 tấn/ha, thu nhập 400 - 500 triệu đồng/năm. Ông Phúc cho biết, ông sử dụng chế phẩm BiOWiSH đã giúp gia tăng tối đa khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng, đồng thời đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tăng tỷ lệ sống của vật nuôi. Ngoài ra, chế phẩm còn giúp giảm được chi phí thức ăn (khoảng 10%); làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, nhiễm bệnh trên các loài thủy sản mà nhất là các bệnh về đường ruột, nấm. Theo kinh nghiệm của ông, nuôi tôm sú theo phương pháp hữu cơ có những điểm khác so phương pháp thông thường; đó là nguồn nước và môi trường hoàn toàn được đảm bảo an toàn.

>> Năm 2019, ngành thủy sản đặt mục tiêu diện tích nuôi tôm sú đạt 620 nghìn ha, sản lượng 280 nghìn tấn. Đến năm 2020, thúc đẩy tạo vùng nuôi tôm sú hữu cơ ở ĐBSCL, sản lượng tôm sú hữu cơ đạt trên 1.000 tấn/năm.

                                                                                                     Thiên Bình