Nuôi con bật "tanh tách" tiền tỷ trên cánh đồng nhiễm mặn xứ Thanh

(Dân Việt)Từ những cánh đồng bị nhiễm mặn, sản xuất gặp nhiều bất lợi, xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã chuyển đổi hơn 200 ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Mô hình đang giúp những hộ nông dân nơi đây khấm khá, giàu lên trông thấy.

Nhiều người dân trong xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc) cho biết, trước kia khi chưa có kè đê chắn sóng, nước biển chảy tràn vào các cánh đồng, nhiều diện tích đất lúa trên địa bàn xã bị nhiễm mặn, việc sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Kể từ đó, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đã xuất hiện nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả do quy mô nhỏ lẻ và tính rủi ro cao...Bắt đầu năm 2012, sau những vụ thu hoạch tôm thắng lợi với hàng chục tấn tôm được tiêu thụ, người dân mới phát triển mạnh.

nuoi con bat "tanh tach" tien ty tren canh dong nhiem man xu thanh hinh anh 1

Dùng vôi bột để xử lý ao nuôi tôm. Ảnh: Vũ Thượng

Đưa phóng viên đi thăm mô hình nuôi tôm công nghiệp, ông Bùi Văn Tâm phấn khởi nói: "Tôi nuôi tôm thẻ chân trắng được 5 năm, đây là con nuôi rất khó, rủi ro cao...nhưng bù lại thành công thì thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa. Mỗi vụ nuôi từ 3-4 tháng, đầu tư 1 ha nuôi khoảng 400-600 triệu đồng. Sau khi thu hoạch và bán tôm, trừ chi phí đi cũng thu về được 300 triệu đồng".

Theo kinh nghiệm nuôi tôm của nông dân xã Đa Lộc, để nuôi tôm thẻ chân trắng không bị "trắng tay" trên cánh đồng nhiễm mặn. Các chủ ao nuôi công nghiệp bắt buộc phải có ao lắng. Tôm thẻ chân trắng thích hợp với các hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh vì vậy nên chọn vùng nuôi là vùng trung và cao triều. Diện tích ao nuôi 0,3-1 ha, độ sâu của nước 1,2-1,5 mét.

nuoi con bat "tanh tach" tien ty tren canh dong nhiem man xu thanh hinh anh 2

Ao nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô công nghiệp không thể thiếu hệ thống quạt nước tạo ooxxy...Ảnh: Vũ Thượng

Môi trường thích hợp nuôi tôm thẻ chân trắng ở nhiệt độ nước 20-30oC, độ mặn 5-30%o, tốt nhất là 10-25%o; độ pH từ 7,5-8, hàm lượng ôxy hoà tan 4 mg/l, không dưới 2 mg/l, độ trong 30-50cm, màu nước xanh lục, xanh vỏ đậu hoặc mận chín.

Theo ông Tăng Văn Ba (thôn Đông Thành, xã Đa Lộc)-người được đào tạo kỷ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng chia sẻ: "Nuôi con bật  "tanh tách" này nên lưu ý. Mật độ thả tôm thẻ chân trắng công nghiệp tốt nhất từ 50-80 con/m2, tùy vào điều kiện ao nuôi và hình thức nuôi. Nếu nuôi mật độ cao không thể thiếu hệ thống quạt nước. Số quạt trong ao không cần quá nhiều, vị trí lắp đặt sao cho tạo dòng chảy tốt. Tốc độ quạt quyết định lượng ôxy hòa tan, nếu trời nắng chạy khoảng 80 vòng /phút, còn về đêm hay lúc trời nhiều mây thì phải chạy 100 vòng/phút".

"Nên thu hoạch tôm thẻ chân trắng vào sáng sớm, nhằm giảm số lượng tôm chết, mềm vỏ và đục thân làm giảm chất lượng. Tập tính tôm thẻ chân trắng đi ngược nước nên không thể xả cống bắt hết được mà phải dùng lưới. Nếu thu ban đêm thì dùng bóng đèn công suất lớn chiếu ngay miệng cống, sau đó xả nước thì tôm sẽ ra hết" ông Tăng Văn Ba chia sẻ thêm.

Mô hình nuôi tôm thể chân trắng trên cánh đồng nhiễm mặn ở xã Đa Lộc đang cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là nuôi tôm quy mô công nghiệp. Đây là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà bạt có nhiều ưu điểm, ít bị tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết, các chỉ số được duy trì ổn định. Áp dụng hệ thống tuần hoàn nên môi trường nước nuôi ổn định, hạn chế sử dụng nước, thải nước thải ra ngoài gây ô nhiễm, đảm bảo an toàn sinh học.    

                                                                                                              Vũ Thượng