Những nỗi lo thường trực

(Thủy sản Việt Nam) - Mặt hàng tôm luôn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, trái ngược với những hân hoan khi xuất ngoại, nội bộ ngành bộc lộ những nỗi lo kéo dài. Tất cả đều xuất phát từ vấn đề thiếu kiểm soát từ gốc.

Thiệt hại không giảm

Theo báo cáo của Cục Thú y, trong năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước bị thiệt hại là 52.020 ha (tăng 2,26% so với năm 2014); chiếm 7,68% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Năm nay, diện tích nuôi tôm bị bệnh đã giảm đáng kể, chỉ còn 15.800 ha (giảm 49,17% so với năm 2014); tuy nhiên, thiệt hại do môi trường và biến đổi thời tiết lại nghiêm trọng, khi có tới 31.258 ha và gần 5.000 ha tôm "tự nhiên" chết do không xác định được nguyên nhân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, do thời tiết thất thường, môi trường nuôi ô nhiễm… Và một phần là do không đủ kinh phí cho công tác phòng bệnh. Theo báo cáo tại một hội nghị ở Bạc Liêu, ngân sách cho phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2015 của các tỉnh, thành trong cả nước là gần 54 tỷ đồng. Rất nhỏ so với con số hàng ngàn tỷ đồng cấp để phòng chống dịch bệnh cho động vật trên cạn, nên không đủ cho nhu cầu. Buồn hơn, nó qua chênh lệch nếu so với giá trị đóng góp của con tôm khi mỗi năm mang về nhiều tỷ đô la.

Tuy nhiên, như lãnh đạo trong ngành chia sẻ, Trung ương chỉ hỗ trợ khi nào địa phương hết nguồn kinh phí và hết khả năng dập dịch, chứ không phải là xảy ra dịch bệnh thì địa phương lại yêu cầu Trung ương hỗ trợ.

 Giống khó khăn

Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 6/2015, cả nước có 2.250 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó tôm sú là 1.700 cơ sở và tôm thẻ chân trắng là 550 cơ sở (chưa kể các cơ sở ương dưỡng tôm giống). Sản lượng giống sản xuất ước đạt 62 tỷ con (tôm sú 17 tỷ con, tôm thẻ chân trắng 45 tỷ con).

Tuy nhiên, điều đáng báo động là con giống sản xuất ra nhiều nhưng nhu cầu thả nuôi giảm mạnh đã gây thừa lớn. Tính riêng 6 tháng đầu năm, trong khi số lượng tôm giống (tôm bột, postlarvae) sản xuất ra đạt hơn 62 tỷ con thì lượng thả nuôi chỉ đạt 29 tỷ con. Như vậy, sơ sơ đã có khoảng 33 tỷ tôm bột sản xuất ra phải xả bỏ do không bán được.

Cùng đó, vẫn là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", đó là chất lượng tôm giống. Đứng trước báo động đỏ về dịch bệnh trên tôm, ngành nông nghiệp đã đề ra nhiều giải pháp để loại trừ tôm giống kém chất lượng, song có lẽ còn rất lâu mới thể hiện được, bởi cơ chế quản lý từ khâu sản xuất, lưu hành cho đến thả nuôi còn quá nhiều kẽ hở.

những nỗi lo thường trực

Người nuôi tôm phải đối mặt với nhiều khó khăn - Ảnh: Trần Út 

Trong một hội nghị về giống, ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bạc Liêu, khẳng định do quy định thiếu chặt chẽ nên việc tiêu hủy tôm giống và tôm bố mẹ bị bệnh trên địa bàn tỉnh rất hạn chế. Bên cạnh đó, chưa có một quy định nào cho phép kiểm dịch tôm sú bố mẹ tại các trại sản xuất giống. Trong khi tôm bố mẹ lại là nguồn lây bệnh chính cho tôm giống được nhập từ nhiều nguồn khác nhau. Như đánh giá của Tổng cục Thủy sản: Tôm thẻ chân trắng bố mẹ hiện nay nhập khẩu 100% từ nhiều nơi trên thế giới, chất lượng có lô tốt lô xấu...

Cùng đó, vấn đề kiểm dịch cũng đang nổi cộm. Ông Nguyễn Phú Lộc (huyện Giá Rai, Bạc Liêu) chia sẻ, đã đến lúc cần phải xem lại công tác kiểm dịch tôm giống. Bởi, tôm đã kiểm dịch nhưng vẫn bệnh và chết. Theo ông Lộc, công tác kiểm dịch hiện nay còn mang nặng hình thức (vì không phát hiện được các bệnh nguy hiểm).

 Mất giá

Năm 2015, nhiều vùng nuôi tôm trên cả nước đã buộc phải ngưng thả giống. Nguyên nhân là do thời tiết thất thường, nắng nóng kéo dài khiến tôm chết hàng loạt, trong khi đó, giá tôm nguyên liệu lại dưới giá thành sản xuất, người nuôi không mặn mà với con tôm. Mấy tháng liền trong năm, giá tôm nguyên liệu liên tục giảm mạnh. Tại Cà Mau, những tháng giữa năm 2015, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg được thương lái thu mua tại vuông với giá 70.000 đồng/kg, giảm hơn 25.000 đồng/kg so với thời điểm cách đó 3 tháng. Còn tôm sú loại 20 - 40 con/kg được thu mua với giá 155.000 - 230.000 đồng/kg, giảm gần 50.000 đồng so với đầu năm 2015. Với giá này, nhiều người nuôi không có lãi, thậm chí lỗ nặng.

Tại các tỉnh miền Trung, giá tôm nguyên liệu cũng không khá hơn, chỉ khoảng 70.000 - 75.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg. Với giá này, người nuôi khó bù đủ vốn, bởi thông thường, giá thành nuôi tôm theo hướng công nghiệp thường chiếm hơn 2/3 giá trị thu được. Do vậy, nông hộ nào không tiết kiệm được các khoản chi phí thì chỉ hòa vốn nếu nuôi tôm đạt.

Nhưng một nghịch lý thấy rõ, trong khi tôm thương phẩm liên tục giảm giá thì giá cả các mặt hàng đầu vào lại tăng đều đặn, trung bình giá thức ăn tôm tăng 800 đồng/kg; các loại phân, thuốc thú y thủy sản tăng 9 - 10%, điều này đã khiến cơ hội tái đầu tư sản xuất của người dân bị thu hẹp.

 Báo động môi trường

Hơn 10 năm nay, nuôi tôm trở thành nghề "hot" trong nuôi trồng thủy sản nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều bất ổn nhất. Trong đó phải kể đến là việc chất lượng nguồn nước , đất đang bị suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt là tại những vùng nuôi tôm với những mô hình nuôi kỹ thuật cao, mật độ nuôi lớn như nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp thì nguồn thải càng lớn và tác động gây ô nhiễm môi trường càng cao.

Theo thống kê, có khoảng 70% các đầm tôm công nghiệp tại Cà Mau xả thẳng ra môi trường, nhất là diện tích nuôi ngoài quy hoạch. Mặc dù tỉnh này đã ban hành quyết định quy định về thời gian và cách thức sên, vét ao đầm. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người nuôi tôm sên, vét ao nuôi thường thải thẳng ra sông, rạch khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Quang Minh Triết, hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến ở huyện Cái Nước, Cà Mau bức xúc, hiện nay, hoạt động sên vét đất, bùn thải cải tạo ao đầm nuôi tôm diễn ra quanh năm nên phần lớn nguồn nước trên các kênh, rạch rất đục, nguồn nước vùng nuôi ngày càng ô nhiễm. Do một bộ phận người dân thiếu ý thức sên vét, xả thải trực tiếp ra kênh, rạch hoặc diện tích khu bao chứa thải nhỏ, rò rỉ ra bên ngoài góp phần tạo ra dịch bệnh làm tôm nuôi chết kéo dài. Điều này đã khiến sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể, nhất là những mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến.

Nguyên nhân đã có, tác động đã rõ, nhưng khắc phục như thế nào và bao giờ đang là điều người ta trông chờ vào các nhà quản lý, để không những đảm bảo sức khỏe cộng đồng, mà còn cứu lấy nghề nuôi chủ lực này.

>> Theo VASEP, giá xuất khẩu mặt hàng tôm của Việt Nam năm nay giảm bình quân khoảng 30%, cộng với thị trường sụt giảm nên kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ xấp xỉ 3 tỷ USD, giảm khoảng 1 tỷ USD so với năm 2014. Đáng lo ngại là các vùng nuôi tôm trọng điểm trong nước số hộ thua lỗ nhiều hơn hộ lãi. Đây là hậu quả của việc phát triển quá "nóng" vượt qua khả năng kiểm soát.

Hồng Hà