Những lưu ý nuôi tôm vụ đông

Nuôi tôm vụ đông có những lợi thế như sản phẩm dễ bán hơn, giá bán cao hơn chính vụ, môi trường nuôi ít bị ô nhiễm, ít xảy ra dịch bệnh hơn… tuy nhiên, để nuôi tôm an toàn cần lưu ý những vấn đề sau.


Kiểm tra sàng để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp cho tôm   Ảnh: Hải Đăng

 

Vùng chuẩn bị nuôi

Ao có diện tích 1.000 - 3.000 m2, thiết kế hình vuông, được lót bạt hoặc bê tông hóa, có lắp đặt hệ thống xi phông đáy. Nếu ao nuôi vụ đầu bị nhiễm bệnh cần xử lý Chlorine kỹ, để tiêu diệt triệt để mầm bệnh.

Đối với ao bạt: Vệ sinh sạch sẽ, xử lý diệt khuẩn xung quanh thành bạt và đáy bạt bằng Chlorine.

Trong nuôi tôm vụ đông, cần ổn định các yếu tố môi trường, nhất là nhiệt độ, vì vậy khuyến khích người nuôi nên xây dựng nhà bạt. Nhiệt độ trong nhà thường cao hơn bên ngoài khoảng 5 - 150C, có thể chống rét cho tôm. Hạn chế được chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, giảm thiểu stress trên tôm nuôi do biến đổi đột ngột của thời tiết. Có thể xây dựng nhà bạt theo  kiểu chóp nón: Nhà bạt được xây dựng trên ao theo hình chóp nón, giữa ao có một trụ chính, xung quanh ao cắm trụ bê tông hoặc trụ thép cao khảng 20 cm so mặt đất, mỗi trụ cách nhau khoảng 30 cm. Dây cáp đường kính 3 mm, được căng xung quanh ao đảm bảo độ dốc 5%, trên được phủ màng kính (nilon). Hoặc kiểu mái nhà: Nhà bạt được xây dựng gồm 2 mái, có diện tích 1,2 ha, mái cao khoảng 3,5 - 4 m, dây cáp bọc nhựa trên mái được móc vào các cột thép cố định xung quanh. Trên mái được phủ lớp bạt nilon để bảo vệ.

Chọn tôm giống cỡ tối thiểu P12 trở lên, khỏe mạnh, xuất xứ rõ ràng và đạt chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đặc biệt lưu ý, vào vụ đông có rất nhiều cơ sơ sản xuất vận chuyển tôm giống cỡ bé, có khi chỉ post 5 - 6, nếu nuôi sẽ làm kéo dài thời gian hơn, vì vậy, người nuôi không chọn tôm post 5 - 10.

Theo dõi diễn biến thời tiết để lựa chọn thời điểm thả tôm thích hợp. Mật độ nuôi không vượt quá 80 - 120 con/m2. Có thể ương tôm trước tại bể ở trong nhà để rút ngắn thời gian nuôi bên bên ngoài. Mật độ ương: 2.000 - 2.500 con/m2 sau thời gian ương 25 - 30 ngày, cỡ tôm ra ao khoảng 500 - 1.000 con/kg. Một số trường hợp chưa chuẩn bị kịp ao nuôi cỡ tôm có thể đạt 300 - 400 con/kg.

 

Vùng đang nuôi

Thức ăn tôm được mua có nguồn gốc rõ ràng, yêu cầu tỷ lệ đạm 32 - 38%, lipit 4 - 6%, độ ẩm <11%. Được mua tại cơ sở có đăng ký kinh doanh, đảm bảo chất lượng theo quy định, tiêu chuẩn thức ăn thủy sản. Ngoài ra, bổ sung thêm khoáng, men, Vitamin C, E, dầu mực vào thức ăn cho tôm.

Không cho tôm ăn khi mưa, gió lớn; ngưng sử dụng máy quạt nước trong suốt thời gian cho ăn đến lúc kiểm tra; ngưng hoặc giảm thức ăn trong lúc tôm lột xác.

Chăm sóc: Do nuôi trong nhà bạt, ôxy từ không khí khuyếch tán ít vào trong môi trường nước, nên sử dụng quạt nước trong ngày nhiều hơn so với nuôi tôm ngoài trời. Tôm nuôi 1 - 2 tháng đầu: Thời gian quạt nước là 6 - 8 giờ/ngày, bắt đầu từ 22 giờ đến 6 giờ sáng; Từ tháng thứ 3 trở đi: Thời gian quạt nước là 15 giờ/ngày, bắt đầu từ 16 giờ đến 7 giờ sáng.

Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường 2 lần/ngày vào lúc 6 giờ và 14 giờ hàng ngày. Nếu chỉ số các yếu tố môi trường nằm ngoài ngưỡng thích hợp phải có biện pháp điều chỉnh ngay.

Định kỳ 7 ngày bổ sung thêm nước cho ao nuôi một lần, thời gian đầu mỗi lần từ 2 - 5% độ sâu mực nước trong ao, thời gian cuối vụ nuôi mỗi lần 4 - 8%. Nếu độ trong quá cao thì phải bón phân để gây màu nước cho ao.

Hàng ngày, cần bổ sung thuốc bổ, Vitamin C, khoáng chất vào thức ăn cho tôm và khoáng vào môi trường ao nuôi. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học ổn định môi trường nuôi. Vào vụ đông nhiệt độ giảm nên cho vi sinh xuống ao vào trưa nắng khi nhiệt độ lên cao (10 - 11 giờ trưa).

                                                                                                            Nguyễn An (Tổng hợp)