Nâng chất lượng tôm giống gắn với vùng sản xuất tôm thương phẩm

  • Ngày 26/4, tại Ninh Thuận, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức diễn đàn khuyến nông @, với sự tham dự của các chuyên gia, các nhà khoa học về lĩnh vực thủy sản, các Trung tâm khuyến nông và các doanh nghiệp sản xuất, nuôi tôm ở các tỉnh, thành phố phía Nam.


Chú thích ảnh
Người dân xã Phương Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận thu hoạch tôm sú được nuôi ghép theo mô hình.

Diễn đàn là cơ hội để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý về lĩnh vực thủy sản và các doanh nghiệp sản xuất, nuôi tôm cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời, cùng tìm giải pháp hữu hiệu để hạn chế dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản xuất tôm giống gắn với vùng sản xuất tôm thương phẩm. Qua đó, nâng cao giá trị sản xuất, nuôi trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao trước sự cạnh tranh thương mại ngày càng khóc liệt.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cuối năm 2018, cả nước có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; trong đó, có 1.855 cơ sở sản xuất tôm sú và hơn 600 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, với sản lượng 120 tỷ con, tăng hơn 10% so với năm 2017. Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm ở nước ta là các tỉnh khu vực Nam Trung bộ gồm Ninh Thuận và Bình Thuận. Hằng năm, các cơ sở ở khu vực này cung cấp khoảng 56% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi của cả nước.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, tôm giống có vai trò hết sức quan trọng đối với ngành tôm, nhưng hiện nay nước ta vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa, chưa thể chủ động cung ứng giống. Mỗi năm nước ta vẫn phải nhập khẩu từ 200.000 - 250.000 con tôm chân trắng bố mẹ (khoảng 90% phải ngoại nhập). Trong khi đó, một phần tôm sú bố mẹ vẫn phải thu gom từ tự nhiên. Hiện tại, nước ta chỉ có giống tôm sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp, chưa có con giống kháng bệnh phục vụ cho nuôi quảng canh.

Chú thích ảnh
Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Công Thử /TTXVN

Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn cao hơn các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (chiếm khoảng 65 - 70%). Chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư đồng bộ, dễ dẫn đến ô nhiễm. Công nghệ nuôi chưa được cải tiến nên năng suất đạt thấp. Đó chưa kể tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạm chất vào tôm nguyên liệu còn xảy ra ở các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam.

Ngoài ra, thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn về các loại rào cản như: thuế chống bán phá giá, chương trình SIMP của Mỹ, giá tôm nhập khẩu từ Ấn Độ thấp. Các thị trường ngày càng tăng cường kiểm soát chặt chẽ về an toàn và chất lượng thực phẩm nên đó cũng là khó khăn cần kịp thời có giải pháp xử lý, khắc phục.

Theo Tổng cục thủy sản, thời gian qua việc quản lý giống tôm nước lợ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản và các địa phương rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Tổng cục Thủy sản yêu cầu các Chi cục Thủy sản tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh tôm giống.

Để xử lý triệt để các cơ sở vi phạm, sau mỗi đợt kiểm tra, Tổng cục Thủy sản đều công khai cơ sở vi phạm trên các phương tiên thông tin đại chúng. Đồng thời, gửi văn bản cho các tỉnh thành, các ngành có liên quan để chấn chỉnh, có hướng xử lý đúng, góp phần nâng cao chất lượng giống tôm gắn với nuôi trồng để phát triển một cách bền vững.

Trên cơ sở đó, năm 2019, ngành thủy sản phấn đấu duy trì diện tích nuôi hiện có, trên 736.000 ha; tập trung đẩy mạnh các giải pháp công nghệ để nâng cao chất lượng, sản lượng. Ngành phấn đấu sản lượng tôm nước lợ đạt trên 780.000 tấn; trong đó sản lượng tôm sú hơn 300.000 tấn và sản lượng tôm thẻ chân trắng 480.000 tấn.

Tuy nhiên theo dự báo, hiện nay có nhiều diễn biến có thể tác động đến ngành tôm như cạnh tranh thương mại, rào cản kỹ thuật, chính sách bảo hộ… Do đó đòi hỏi toàn ngành hết sức nỗ lực, thường xuyên cập nhật tình hình, chủ động có giải pháp tốt để tổ chức sản xuất phù hợp.

Tổng cục Thủy sản yêu cầu ngành tôm cần tiếp tục triển khai nhiệm vụ của ngành đã được phê duyệt theo Quyết định số 79/QĐ - TTg ngày 18/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm đến năm 2025. Bên cạnh đó, tiếp tục tái cơ cấu ngành tôm, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị để gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ.

Ngoài ra, tăng cường kiểm soát và quản lý chất lượng con giống, vật tư đầu vào và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm tôm. Đặc biệt công tác kiểm soát hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản cần được thực hiện và xử lý nghiêm, nhằm tạo sản phẩm tôm đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Cùng đó, các đơn vị chức năng tăng cường công tác quan trắc môi trường tại các vùng nuôi, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh; đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản có liên quan, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm, xây dựng hình ảnh tôm Việt Nam nuôi sinh thái, hữu cơ để quảng bá ra thị trường thế giới.

                                                                                    Tin, ảnh: Công Thử    (TTXVN)