Lời giải cho nuôi tôm trên cát bền vững

(Thủy sản Việt Nam) - Đây cũng là vấn đề được bàn luận tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển bền vững nuôi tôm trên cát theo hướng an toàn dịch bệnh” của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức mới đây tại Quảng Bình.

chương trình có sự hỗ trợ của trung tâm khuyến nông quốc giaPhát triển mạnh mẽ

Xuất hiện với quy mô nhỏ lẻ vào những năm 2000, qua gần 20 năm phát triển, đến nay mô hình tôm cát đang phát triển mạnh mẽ cả về diện tích và sản lượng. Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi tôm trên cá ttính đến giai đoạn 2010 - 2014 tăng từ 2.381 ha lên đến 3.018 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế; sản lượng tăng 30.844 tấn lên 37.030 tấn; năng suất trung bình 13 - 14 tấn/ha, có những địa phương năng suất tới 17 - 20 tấn/ha. Trong giai đoạn này, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ nuôi tôm trên cát được tiến hành theo hình thức nuôi tôm công nghiệp, chủ yếu với quy trình kỹ thuật nuôi tôm thâm canh, thả nuôi với mật độ cao. Những công nghệ này đã giải quyết một số vấn đề như thiếu nước ngầm, và cho năng suất cao. Nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên -Huế đã chủ động hoàn toàn công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm công nghệ cao đáp ứng nhu cầu sản xuất. Từ đó, đem lại thu nhập ổn định cho người nuôi, với lợi nhuận trung bình 500 triệu đồng/ha/vụ, cá biệt có những cơ sở nuôi có lãi 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm.

lời giải cho nuôi tôm trên cát bền vững

Nuôi tôm trên cát giúp miền Trung đỡ “khát” - Ảnh: Huy Hùng

Có thể nói, nghề nuôi tôm trên cát ở các tỉnh ven biển miền Trung trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào việc tăng sản lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam, giúp tận dụng tối đa diện tích đất cát bỏ hoang, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho ngư dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh khu vực miền Trung.

 Thách thức

 Nuôi tôm trên cát có nhiều ưu điểm và cơ hội phát triển, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức về môi trường, do các tỉnh miền Trung phát triển quá “nóng”, không theo quy hoạch. Nhiều hộ dân thả nuôi liên tục, nguồn nước nuôi chưa qua xử lý làm cho dịch bệnh (chủ yếu đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp - AHPNS) lây lan nhanh, tôm chết hàng loạt, người nuôi lâm cảnh trắng tay. Cùng với đó là tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngọt và nước ngầm; ô nhiễm biển và nước ngầm do chất thải từ nuôi trồng; mặn hóa đất và nước ngầm đang diễn ra ở vùng đất này. Việc phát triển ao nuôi không đi đôi với bảo vệ rừng phòng hộ hay trồng rừng che chắn, đặc biệt là các khu vực nhiều gió cát, đã dẫn đến hiện tượng ao nuôi bị vùi lấp trong quá trình sản xuất.

Mặt khác, tình trạng lạm dụng kháng sinh, hóa chất hiện nay trong nuôi tôm cũng là một thách thức không nhỏ. Việc nuôi thâm canh càng cao, người nuôi càng lạm dụng các loại thuốc thú y, hóa chất trong nuôi tôm khiến môi trường ngày một xấu đi, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian gần đây, biến đổi khí hậu cũng đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất và sinh hoạt của người nuôi. Năm 2015, đợt hạn hán kéo dài trong gần 1 năm tại các tỉnh NinhThuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và Quảng Trị khiến khoảng 50.000 ha không thể canh tác được. Từ những thực trạng đó dẫn đến nhiều vùng nuôi tôm ở khu vực đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, suy giảm nguồn nước ngầm và xâm hại đến đất rừng phòng hộ ven biển ảnh hưởng trực tiếp đến dân sinh vùng ven biển; phá vỡ cảnh quan và hệ sinh thái vùng ven biển.

 Giải pháp bền vững

Hiện nay, việc tìm hướng đi mới và giải pháp thiết thực cho phát triển tôm trên cát an toàn dịch bệnh tại các tỉnh miền Trung là vấn đề cần quan tâm hàng đầu. Trong đó, cần có những giải pháp riêng cho các nhiệm vụ khác nhau về: quản lý, quy hoạch nhằm ngăn chặn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, không theo quy hoạch; xây dựng, củng cố các hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ thương mại theo chuỗi giá trị; Tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng con giống, thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường; hoàn thiện việc đầu tư xây dựng hệ thống các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, lưu giữ và cung ứng giống tôm chất lượng; tăng cường sự liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp trong việc tạo ra sản phẩm tôm có chất lượng tốt, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm; xây dựng mô hình nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với đó, cần tổng kết và nhân rộng các mô hình nuôi tôm trên cát theo VietGAP, GMP..., nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và theo tiêu chuẩn quốc tế… có như vậy mô hình nuôi tôm trên cát mới phát huy hết tiềm năng và phát triển một cách bền vững mang lại hiệu quả cho người dân miền Trung trong thời gian tới.

>> Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Việc phát triển nuôi tôm trên cát trong thời gian tới cần phải được nhìn nhận toàn diện, phải có tính toán tất cả các phương án, lợi ích và thiệt hại mà mô hình này mang lại, đảm bảo phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững, không tác động xấu đến môi trường và bảo vệ cảnh quan tự nhiên của các vùng ven biển.

Phương Đông