Khơi dậy tiềm năng thủy sản miền Bắc

(Thủy sản Việt Nam) - Khu vực phía Bắc có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, lợi thế này nhiều năm nay vẫn chưa được phát huy tối đa. Đã có rất nhiều giải pháp được chỉ ra để các tỉnh tận dụng.


Các tỉnh phía Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển NTTS 

Tiềm năng lớn

Báo cáo tại Hội thảo “Phát triển NTTS các tỉnh phía Bắc” do Tổng cục Thủy sản tổ chức mới đây cho thấy, diện tích NTTS của các tỉnh phía Bắc 9 tháng đầu năm 2018 đạt 228.891 ha, bằng 135,8% so cùng kỳ năm 2017; sản lượng đạt 592.273 tấn, bằng 109% so cùng kỳ năm ngoái; sản lượng giống sản xuất trên địa bàn đạt 62,7 tỷ cá/tôm post các loại. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ là 62.481 ha, sản lượng 185.440 tấn; nuôi nhuyễn thể 13.781 ha, sản lượng 130.929 tấn; nuôi ngọt 167.481 ha, sản lượng 396.544 tấn; cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) 43,012 m3, sản lượng 516 tấn…

Ông Nguyễn Anh Khoa, Vụ NTTS (Tổng cục Thủy sản) cho biết, các tỉnh phía Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển NTTS vì diện tích lớn, chiều dài bờ biển dài, đối tượng nuôi đa dạng. Các tỉnh ven biển có thể phát triển NTTS mặn lợ. Các tỉnh nội đồng và miền núi phát triển NTTS nước ngọt. Bên cạnh đó, lại có thị trường tiêu thụ nội địa lớn và phục vụ du lịch; hạ tầng cơ sở khá phát triển; trình độ dân trí khá cao, có năng lực tiếp nhận công nghệ… Nhưng đặc trưng khí hậu miền Bắc là có mùa đông lạnh kéo dài đã trở thành thách thức không nhỏ cho NTTS vùng này. Ngoài ra còn có nhiều yếu tố cản trở khác như: Hạ tầng phục vụ NTTS còn yếu kém, bất cập; quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khó áp dụng khoa học kỹ thuật và nuôi thâm canh năng suất cao; chưa phát huy được tiềm năng NTTS mặt nước lớn (hồ chứa, sông); hệ thống nhà máy chế biến ít và lạc hậu so các tỉnh phía Nam; liên kết chuỗi giá trị trong NTTS còn hạn chế…

Ông Thái Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản cho rằng, thiếu con giống chất lượng là một trong những b���t cập lớn cản trở sự phát triển NTTS khu vực phía Bắc. Ngoài ra, đầu ra cho sản phẩm cũng là yếu tố vô cùng quan trọng, cần phải nghiên cứu kỹ và có những định hướng cụ thể trong kế hoạch sản xuất.

Sản xuất phải gắn kết

Để khắc phục khó khăn và phát huy lợi thế về NTTS khu vực miền Bắc, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý của nhà nước; thúc đẩy phát triển các mô hình hợp tác xã NTTS kiểu mới; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ gắn với thực hiện GAP và xây dựng thương hiệu; cần có chính sách vay vốn lãi suất thấp, nâng cao định mức vay cho các dự án phát triển NTTS; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, đường giao thông, điện công nghiệp cho các vùng nuôi tập trung các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Thêm vào đó, cũng cần phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong việc sản xuất giống, nuôi thương phẩm; đào tạo hướng nghiệp nâng cao kiến thức NTTS cho cộng đồng người nuôi; xúc tiến thương mại và tháo gỡ các rào cản tại các thị trường quốc tế, song song với đó là chú trọng thúc đẩy phát triển tại thị trường nội địa...

Đại diện tỉnh Tuyên Quang, một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có ngành NTTS khá phát triển, nhất là nuôi cá lồng ở hồ chứa cho rằng, để thực hiện tốt mục tiêu phát triển thủy sản theo hướng bền vững, tạo sinh kế cho người dân, nhất là người dân vùng lòng hồ, cần sự giúp đỡ, hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất; tìm đầu ra cho sản phẩm cá đặc sản nhằm tạo chuỗi liên kết sản xuất bền vững.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng: “Để đưa ngành NTTS phía Bắc phát triển thì việc ứng dụng khoa học công nghệ là rất quan trọng. Ngoài ra, rất cần sự chung sức chung lòng của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và người nuôi để tạo nên sức mạnh tổng hợp”.

                                                                                                                Nam Giang