Giảm thiệt hại vụ nuôi mới

(Thủy sản Việt Nam) - Vụ nuôi tôm năm 2016 đã và đang được cảnh báo với nhiều khó khăn. Để thành công, giảm thiệt hại cho người nuôi, nhiều ý kiến của lãnh đạo, chuyên gia được đưa ra.

Image title

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Phối hợp tốt giữa các địa phương.

    2016 được nhận định là năm còn nhiều khó khăn với ngành thủy sản nói chung, con tôm nói riêng về các yếu tố tác động từ môi trường, dịch bệnh. Tuy nhiên, ngành tôm vẫn đặt mục tiêu với hơn 600.000 ha diện tích và sản lượng gần 450.000 tấn. Theo đó, để đảm bảo vụ nuôi thành công, các địa phương cần bám sát và thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ thả tôm đã được ban hành; theo dõi sát sao và có những giải pháp kịp thời hỗ trợ người nuôi. Đồng thời, thực hiện tốt việc quản lý chất lượng vật tư đầu vào, nhất là vấn đề con giống, tôm bố mẹ nhập khẩu (Bộ đã cho phép 3 đơn vị đủ điều kiện để được nhập khẩu tôm bố mẹ vào Việt Nam); triển khai và nhân rộng các mô hình nuôi tôm hiệu quả; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (hạn hán, xâm nhập mặn...); thủy lợi cho vùng nuôi tôm...

Image titleÔng Trần Thế Mưu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS I: Nghiên cứu và hoàn thiện các công nghệ nuôi hiệu quả .
    Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi năm 2016 dự báo có xu hướng gia tăng về phạm vi, mức độ nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn, đặc biệt các bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp do sức đề kháng của tôm ngày càng giảm và môi trường nuôi ngày càng biến động bất lợi. Vì vậy, người nuôi cần nâng cao ý thức, chủ động thực hiện tốt các phương pháp phòng bệnh. Các cơ quan nghiên cứu cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm về môi trường và dịch bệnh trên tôm. Chủ động phối hợp với địa phương phát hiện và kiểm soát mầm bệnh, virus từ con giống đầu vào, giống bố mẹ. Nghiên cứu và hoàn thiện các công nghệ nuôi tôm sinh thái, công nghệ nuôi tôm thâm canh theo hướng an toàn sinh học, thân thiện môi trường nhằm tạo ra các sản phẩm sạch. Tiếp tục thực hiện các Chương trình về chọn tạo giống tôm có chất lượng cao ở trong nước, thử nghiệm các giống tôm chọn giống để đưa vào sản xuất.
Image titleBà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy sản Sóc Trăng: Thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ.
    Nhằm hạn chế ảnh hưởng của El Nino và giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong vụ tôm nước lợ năm 2016, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng đã ban hành lịch thời vụ thả nuôi; theo đó, yêu cầu người nuôi tôm nghiêm túc thực hiện lịch thời vụ, thả với mật độ phù hợp theo từng hình thức nuôi; nên thả giống vụ mới theo hướng thăm dò để theo dõi dịch bệnh, môi trường, nếu tình hình khả quan mới tiếp tục thực hiện; nuôi theo khả năng đầu tư và trình độ quản lý của từng hộ. Thường xuyên theo dõi thông tin về cách hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc tôm nuôi. Đồng thời, đảm bảo quạt để cung cấp đủ ôxy cho tôm và tránh nước bị phân tầng, nếu cần thiết thì nên bón thêm vôi đá với tỷ lệ 5 kg/1.000 m3 nước vào khoảng 22 h tối.
Image titleÔng Tưởng Phi Lai, Phó Giám đốc Trung tâm hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững: Lựa chọn đối tượng, hình thức nuôi thích hợp.
    Vấn đề biến đổi khí hậu nổi lên trong những năm gần đây có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tôm nuôi, đặc biệt là hiện tượng xâm nhập mặn. Để ngành tôm có thể thích ứng với biến đổi khí hậu thì cần quán triệt việc nuôi tôm đúng mùa vụ. Trong thời điểm này, các tỉnh phía Nam có thể tiến hành thả tôm giống, còn các tỉnh phía Bắc chưa nên thả giống vì khí hậu vẫn trong giai đoạn biến đổi thất thường, chưa ổn định, dễ gây sốc cho tôm. Cùng đó, công tác quan trắc môi trường cần được người nuôi thực hiện thường xuyên để đưa ra những giải pháp can thiệp phù hợp. Để có tỷ lệ thành công cao, cần phát triển nuôi tôm theo hướng công nghệ cao. Với những quy mô nhỏ, cần tập trung theo dõi, thường xuyên quan sát để kịp thời xử lý sự cố. Trong năm 2016, dự đoán giá TTCT sẽ gặp khó khăn, để giảm thiểu rủi ro, người nuôi có thể quay lại nuôi tôm sú. Những hộ quy mô nhỏ nên nuôi tôm sú theo hình thức nuôi ghép tôm - lúa hay quảng canh cải tiến.
Image titleÔng Võ Hồng Ngoãn, xã Vĩnh Trạch Đông, tỉnh Bạc Liêu: Liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi.
    Yếu tố cốt lõi của vấn đề nuôi tôm bấy lâu nay vẫn là ở khâu con giống (nhân tố chiếm phần lớn thành công của mỗi vụ nuôi), cùng đó là chất lượng thuốc, vật tư thu ý, nguyên liệu đầu vào. Để người nuôi an tâm hơn trước mỗi vụ nuôi, cần thực hiện việc liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để đảm bảo chất lượng con giống (được kiểm nghiệm về dịch bệnh), loại bỏ những đơn vị làm ăn không chân chính. Cùng đó, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp con giống thực hiện cam kết bảo hành 2 tháng với tôm sú giống và 1 tháng với tôm thẻ chân trắng giống; nhằm hỗ trợ cho người nuôi. Bởi, chỉ có thực hiện tốt liên kết này, người nuôi mới có được những sản phẩm tốt nhất cho quá trình nuôi trồng.
                                                                        Nguyên Chi - Nguyễn Nhung (Ghi)