Giá tôm thẻ chân trắng và tôm sú thương phẩm ở Trà Vinh tăng trở lại

Từ đầu tháng Sáu đến nay, giá tôm thẻ chân trắng và tôm sú thương phẩm ở Trà Vinh đã tăng trở lại, với mức bình quân tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg (tùy loại) so với thời điểm tháng trước đó.


Thu hoạch tôm thẻ chân trắng. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)                                  Thu hoạch tôm thẻ chân trắng. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Từ đầu tháng Sáu đến nay, giá tôm thẻ chân trắng và tôm sú thương phẩm ở Trà Vinh đã tăng trở lại, với mức bình quân tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg (tùy loại) so với thời điểm tháng trước đó.

Cụ thể, tại chợ tỉnh Trà Vinh, hiện tôm thẻ chân trắng loại 70 con/kg có giá 100.000-1150.000 đồng/kg, loại từ 40-50 con/kg có giá 120.000-130.000 đồng/kg, loại 20-30 con/kg có giá 220.000-230.000 đồng/kg.

Tôm sú thương phẩm loại 70 con/kg có giá 160.000 đồngkg, loại 40 con/kg có giá 240.000-250.000 đồng/kg, loại 20 con/kg trở lại có giá 320.000 đồng/kg.

Đặc biệt, tôm sú thương phẩm được nuôi quảng canh theo mô hình rừng-tôm hiện đang hút hàng, được thị trường thu mua với giá cao, như tôm sú loại từ 40 con/kg có giá 280.000 đồng/kg, loại 20 con/kg trở lại có giá 350.000 đồng/kg.

Theo bà Nguyễn Thị Nhi, chủ cơ sở mua bán thủy hải sản ở ở xã đảo Long Hòa, huyện Châu thành, giá tôm, nhất là tôm sú thương phẩm tăng trở lại là nhờ sức tiêu thụ thị trường nội địa tăng mạnh. Bởi, do vào thời điểm đầu mùa Hè, lượng khách du lịch tăng cao, các nhà hàng, quán ăn đều có nhu cầu tăng lượng hải sản để phục vụ du khách.

Còn trên thực tế, mặt hàng tôm chế biến đông lạnh xuất khẩu trong thời điểm vào đầu vụ nuôi như hiện nay vẫn còn hạn chế thu mua. Hầu hết, thị trường Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay chỉ thu mua mạnh tôm thẻ chân trắng đạt kích cỡ từ 40 con/kg trở lên, tôm sú đạt kích cở từ 20 con/kg trở lại.

[Xuất khẩu tôm hướng tới mục tiêu 4,2 tỷ USD trong năm nay]

Ông Trần Văn Dũng, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, trong định hướng quy hoạch và phát triển nghề nuôi tôm nước lợ và ngập mặn, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh luôn khuyến cáo nông dân phát triển ổn định mô hình nuôi tôm quảng canh theo hướng sinh thái gắn kết với bảo vệ môi trường (rừng-tôm).

Hiện, tỉnh có trên 9.000ha rừng; trong này có 5.120ha rừng được giao khoán cho người dân và các tổ chức bảo vệ; gần 4.000ha diện tích rừng còn lại do người dân tự trồng, quản lý và đã hình thành mô hình rừng-tôm, đảm bảo được tính bền vững.

Theo bà Phạm Thị Hồng Diễm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải, nơi có diện tích sản xuất rừng-thủy sản nhiều nhất tỉnh cho biết, hiện địa phương có hơn 8.500ha nuôi thủy sản; trong đó, mô hình rừng-thủy sản chiếm khoảng 60% diện tích.

Tuy mô hình rừng-thủy sản được nuôi kết hợp gồm tôm sú, cua biển, cá,… cho thu nhập khoảng 150-200 triệu đồng/ha, thấp hơn gấp 2 lần so với mô hình nuôi tôm bán thâm canh và nuôi thâm canh. Tuy nhiên, ưu điểm của mô hình rừng-thủy sản là rất ít bị rủi ro do biến động về về môi trường, người nuôi chủ động được việc thu hoạch khi giá cả thị trường biến động.

Ông Trần Văn Dũng, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết thêm, trong điều kiện giá tôm thị trường không ổn định, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nông dân nên nuôi rải vụ và kéo dài thời gian nuôi cho tôm đạt kích cỡ ít nhất từ 40-50 con/kg mới thu hoạch.

Tôm đạt kích cỡ này dễ bán thị trường trong nước và giá luôn ổn định ở mức thấp nhất từ 180.000-220.000 đồng/kg, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân./.

                                                                                         Phúc Sơn (TTXVN/Vietnam+)