Chông chênh công cuộc biến “cát hóa vàng”

(Thủy sản Việt Nam) - Sau những thành công ban đầu của công cuộc biến “cát hóa vàng”, mô hình nuôi tôm trên cát được nhận định là hướng thoát nghèo mới của người dân ven biển miền Trung. Nhưng phía sau đó nhiều hệ lụy cần khắc phục.

Thiếu bền vững

Có thể nói, nuôi tôm trên cát đầu tiên bắt đầu từ hộ nuôi ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận với diện tích 0,5 ha vào năm 1999. Sau đó, mô hình này phát triển khá nhanh chóng, đến năm 2002 diện tích nuôi tôm trên cát ở các tỉnh miền Trung đã đạt 2.559 ha.

Nuôi tôm trên cát có những ưu điểm lớn như: có thể nuôi mật độ cao; cải tạo ao tương đối dễ, nhanh, triệt để; nguồn nước sạch và dễ thay nên ít mầm bệnh; thu hoạch tôm đơn giản và triệt để hơn các mô hình khác. Đồng thời, mô hình nuôi sử dụng màng chống thấm nên nước không bị ngấm sâu vào lòng đất, góp phần làm giảm xói mòn biển, tăng sự chắc chắn cho đới ven bờ. Ngoài ra, mô hình nuôi này đã làm thay đổi bộ mặt của một số vùng cát hoang mạc, giúp phát triển khu vực dân sinh kết hợp bảo vệ an ninh quốc phòng.

Từ những ưu thế trên, nuôi tôm trên cát đã phát triển một cách nhanh chóng và tập trung chính ở 5 tỉnh miền Trung là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi và Ninh Thuận vào năm 2003. Thế nhưng, khi cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, trước sức ép của lợi nhuận, diện tích nuôi tôm trên cát tăng nhanh theo hướng tự phát trở thành yếu tố trực tiếp gây ô nhiễm môi trường và làm giảm đáng kể diện tích rừng phi lao phòng hộ. Hậu quả là dịch bệnh đã xảy ra trên tôm ở khắp các tỉnh, đặc biệt năm 2004, tại Ninh Thuận đã có đến 80% diện tích ao nuôi bị bệnh phân trắng, teo gan gây thiệt hại cho nghề tôm. Vì vậy, từ 100 ha năm 2003 đến năm 2005 diện tích nuôi tôm trên cát tại Ninh Thuận chỉ còn khoảng 30 ha thả nuôi cầm chừng.Thất bại diễn ra liên miên sau đó và làm cho mô hình nuôi tôm trên cát gặp nhiều khó khăn, khiến nhiều hộ nuôi trắng tay, nhiều ao nuôi bị bỏ hoang.

gian nan nuôi tôm trên cát

Nuôi tôm trên cát phát triển mạnh ở các tỉnh miền Trung - Ảnh: Huy Hùng

Đến năm 2009 trở đi, khi các chính sách phát triển tôm trên cát được nhà nước chú trọng (như Quyết định số 1514/QĐ-UBND năm 2009 của UBND tỉnh Quảng Nam), con tôm đã vượt qua thời kỳ khó khăn và phục hồi, phát triển. Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi tôm trên cát tính đến giai đoạn 2010 - 2014 đã tăng từ 2.381 ha lên đến 3.018 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế; sản lượng tăng từ 30.844 tấn lên đến 37.030 tấn; năng suất trung bình đạt 13 - 14 tấn/ha. Nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế đã chủ động hoàn toàn công nghệ sản xuất giống cũng như nuôi thâm canh công nghệ cao. Từ đó, đem lại thu nhập ổn định cho người nuôi, với lợi nhuận trung bình 500 triệu đồng/ha/vụ.

Nhưng đầu năm 2016, nghề nuôi tôm trên cát tại các tỉnh miền Trung được gặp vô vàn khó khăn và thất bại trong vụ 1 khi dịch bệnh xảy ra liên miên và sự cố môi trường do Formosa gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước cấp vào để nuôi tôm nơi đây, làm cho tôm chết hàng loạt hoặc chậm lớn, ngừng sản xuất… Những nguy cơ về ô nhiễm biển, nước ngầm do chất thải, nguy cơ mặn hóa đất, nguy cơ bị thu hẹp diện tích rừng phòng hộ, làm tăng hoạt động cát bay, bão cát, dịch bệnh… vẫn là những thách thức luôn hiện hữu cho sự phát triển con tôm, môi trường sinh thái và nguồn nước trong tương lai tại nơi đây.

Thay đổi để phát triển

Nghề nuôi tôm trên cát đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, để phát triển bền vững, an toàn dịch bệnh cần rất nhiều giải pháp đồng bộ của các cơ quan nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nuôi; Xác định hướng đi cho tôm trên cát cần phải có tầm nhìn bao quát và kế hoạch dài kỳ. Viện kinh tế và Quy hoạch thủy sản đã đưa ra một số định hướng phát triển cho tôm trên cát trong thời gian tới gồm: gắn phát triển nuôi tôm trên cát với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, cảnh quan tự nhiện vùng ven biển; Tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống các cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ và điện đại đáp ứng được yêu cầu cho phát triển nuôi tôm trên cát; hình thành các vùng nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao, nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái…

Ngoài việc thực hiện theo Quyết định 946/QĐ-BNN-TCTS mới đây của Bộ NN&PTNT về việc quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Các địa phương cần tập trung vào các nhóm giải pháp chính, cụ thể như xây dựng được hệ thống lắng, lọc nước trước khi đưa vào ao nuôi là giải pháp thiết thực nhất để giảm nguy cơ dịch bệnh và ô nhiễm nguồn nước; chủ động được nguồn giống và có con giống chất lượng là yếu tố góp phần vào giải pháp nuôi bền vững; tiếp tục thực hiện các chương trình nuôi an toàn sinh học, không sử dụng kháng sinh, hóa chất theo VietGAP, GMP và hướng tới ASC là hướng làm cần thiết; tăng cường hoạt động quan trắc các chỉ tiêu, các yếu tố môi trường. Đồng thời, phải tăng cường thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, đẩy nhanh nhân rộng các mô hình hiệu quả, với phương châm “1 người làm 1.000 người biết, 1 hộ làm hàng trăm hộ học tập làm theo” để đẩy mạnh tính bền vững. Tạo sự liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp trong việc tạo ra sản phẩm tôm có chất lượng tốt nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm; các doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải tích cực tìm hiểu các thông tin, xúc tiến thương mại, tận dụng các cơ hội nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu là khẩu tạo đầu ra quan trọng cho con tôm nuôi.

Cùng bắt tay tạo dựng hướng đi bền vững cho nuôi tôm trên cát là một hành trình đầy gian nan của nghề nuôi tôm nước ta.

>> Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai dự án "Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP" tại các tỉnh trọng điểm vùng nuôi tôm trên cát từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, với tổng diện tích 84 ha, tại 169 hộ nhằm thực hiện mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, phát triển bền vững và mang lại lợi ích lâu dài cho người dân vùng ven biển miền Trung.

Phương Đông